Sấy gỗ: Các khái niệm cần thiết cơ bản

Sấy gỗ là một trong những công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất các sản phẩm bằng gỗ tự nhiên. Vậy tại sao cần phải sấy gỗ? Liệu có thể bỏ qua việc sấy gỗ không? Chi tiết thông tin này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. 

I. Tại sao phải sấy gỗ?

Sau khi xẻ, gỗ được đem đi sấy để làm giảm lượng nước trong các thớ gỗ. Có nhiều lý do khiến ta phải sấy gỗ trước khi sử dụng để làm thành các món đồ bằng gỗ tự nhiên.

1. Gỗ sau sấy có kích thước ổn định

Gỗ tự nhiên có lượng lớn nước trong những thớ gỗ và theo thời gian nước sẽ tiếp tục giảm đi làm cho kích thước của gỗ hụt đi so với ban đầu. Vì vậy, việc sấy gỗ là cần thiết giúp cho kích thước của phôi gỗ về ổn định, từ đó việc sản xuất cũng dễ dàng và chính xác hơn.

2. Giảm tình trạng bị nứt nẻ, cong vênh, nấm mốc ở sản phẩm đồ gỗ

Các sản phẩm đồ gỗ khi sản xuất thành phẩm bằng gỗ chưa sấy, thì sau khi sử dụng lượng nước bay hơi sẽ dẫn đến cong vênh, nứt nẻ hay nấm mốc. Những lỗi này làm cho đồ gỗ giảm tính thẩm mỹ, giá trị sử dụng, độ bền bỉ và sức khỏe của người sử dụng.

3. Sấy gỗ nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng và tuổi thọ của đồ gỗ

Gỗ đã sấy sẽ được cải thiện về tính chất, độ cứng tăng, khó bị sâu mục. Từ đó, gỗ sau sấy cũng thuận tiện để đánh nhẵn hoàn thiện đồ gỗ với chất lượng đảm bảo, cải thiện hiệu quả sử dụng và tuổi thọ.

4. Giảm công sức và chi phí vận chuyển 

Sau sấy, gỗ đã được giảm đi một lượng lớn nước, nên trọng lượng của gỗ cũng giảm đáng kể. Theo đó, việc sấy gỗ làm giảm công sức và chi phí vận chuyển; cũng thuận lợi hơn khi gia công sản xuất.
Với 4 lý do như vậy, quá trình sấy gỗ là công đoạn quan trọng không nên bỏ qua trong sản xuất các đồ gỗ tự nhiên.

II. Thời gian sấy gỗ là bao nhiêu?

Thời gian sấy gỗ không cố định, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp sấy, độ dày của gỗ, chủng loại gỗ và mục đích dùng gỗ để làm sản phẩm đồ gỗ nào.

III. Các phương pháp sấy gỗ 

Hiện nay, công nghiệp chế biến đồ gỗ phát triển nên có nhiều phương pháp sấy gỗ khác nhau.

 1. Hong phơi gỗ tự nhiên

Sấy khô gỗ bằng hong phơi sử dụng nhiệt lượng của ánh nắng mặt trời để làm giảm độ ẩm của gỗ xuống từ 20 – 30%. Đây là phương pháp sấy gỗ cổ truyền đã được ứng dụng từ rất lâu, có nhiều ưu điểm như cách thực hiện đơn giản, gỗ khô từ từ nên ít bị mo ván, không tốn chi phí. Tuy nhiên, vì tốn thời gian rất lâu và chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, không kiểm soát được chính xác nhiệt độ sấy và độ ẩm sau sấy nên hiện nay ít phổ biến.

Phương pháp sấy bằng hong phơi được sử dụng nhiều với mục đích tiền sấy, tức gỗ được giảm độ ẩm một phần trước khi sấy bằng các phương pháp khác.

2. Lò sấy gỗ dùng nhiệt trực tiếp

Phương pháp sấy gỗ dùng nhiệt trực tiếp được thực hiện bằng cách đưa gỗ vào lò sấy, sau đó làm nóng lò bằng việc đốt than, củi.

Sấy gỗ bằng gia nhiệt trực tiếp

Sấy gỗ bằng phương pháp gia nhiệt này có thời gian sấy nhanh hơn so với hong khô, làm khô được các thớ gỗ từ bên trong. Diện tích nhà xưởng và chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn. Tuy nhiên, kích thước lò khá nhỏ, nên mỗi mẻ chỉ sấy được từ 4 đến 18m3 gỗ, thời gian sấy từ 72 – 168 tiếng. Và khí đốt gây hại cho môi trường, tốn công sức và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

3. Lò sấy hơi nước

Sấy bằng hơi nước là phương pháp sử dụng hơi nước bão hòa để làm tăng nhiệt độ trong lò sấy từ đó gỗ được giảm ẩm. Sử dụng lò sấy hơi nước giúp cho gỗ không tiếp xúc trực tiếp với chất đốt và khói nên giữ được chất lượng của gỗ sau sấy.
Hiệu suất sấy của phương pháp này lên đến 98%, gỗ được sấy từ sâu trong lõi gỗ nên không bị nứt âm.

4. Sấy gỗ bằng lò sấy cao tần

Sấy gỗ bằng lò sấy cao tần là phương pháp sấy gỗ hiện đại. Dưới ảnh hưởng của dòng điện xoay chiều ở tần số cao, từ trường làm chuyển động các phân tử mang điện và chuyển hóa thành nhiệt năng làm hóa hơi nước trong gỗ làm khô gỗ.
Sấy cao tần rút ngắn được thời gian sấy, chất lượng gỗ sấy được đảm bảo. Phương pháp này cũng sấy được cho nhiều chủng loại gỗ, sấy được các phôi gỗ có hình thù và kích thước đa dạng.

IV. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sấy gỗ

1. Chủng loại gỗ

Những khác biệt của chủng loại gỗ dẫn đến việc sấy gỗ cũng không giống nhau. Mỗi loại gỗ có kết cấu và đặc tính, lượng nước trong gỗ, độ dày vỏ, tỷ trọng gỗ, khả năng hấp thụ và giải phóng độ ẩm khác nhau. Các loại gỗ cứng tự nhiên như gỗ Hương, gỗ Chiu Liu, gỗ Gõ Đỏ,… có quy trình sấy khác với các loại gỗ mềm như gỗ thông, gỗ bạch dương,…
Thời gian sấy, nhiệt độ sấy, các bước sấy phải được điều chỉnh để phù hợp với từng loại gỗ để tránh gây biến dạng và nứt nẻ gỗ.

Mỗi chủng loại gỗ đòi hỏi quy trình và thời gian sấy khác nhau

2. Độ dày của gỗ

Với mỗi mục đích sử dụng, mà gỗ được xẻ thành nhiều kích thước, độ dày khác nhau. Độ dày của phôi gỗ sẽ quyết định đến thời gian sấy và kỹ thuật sấy.
Vì nhiệt độ và độ ẩm cần thời gian để đi qua các thớ gỗ, nên gỗ dày cần thời gian sấy lâu hơn so với gỗ mỏng. Đối với các loại gỗ dày, nếu tốc độ sấy quá nhanh có thể làm biến dạng gỗ và có thể bị nứt. Bởi vì đó, khi sản xuất cần lựa chọn chế độ sấy phù hợp với độ dày của gỗ.

Sấy gỗ là công đoạn ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của các thành phẩm đồ gỗ

3. Độ ẩm ban đầu

Độ ẩm ban đầu của gỗ là mức độ ẩm khi bắt đầu quá trình sấy. Trước khi sấy, cần phải kiểm tra độ ẩm ban đầu để kiểm soát quá trình sấy, giảm tổn thất năng lượng và thời gian sấy, đồng thời đảm bảo chất lượng gỗ sau sấy. Bởi gỗ có độ ẩm ban đầu cao cần thời gian sấy lâu hơn so với gỗ có độ ẩm thấp hơn.

4. Độ ẩm cuối cùng

Độ ẩm cuối cùng là mục tiêu độ ẩm của gỗ cần đạt được sau quá trình sấy. Độ ẩm cuối cùng là yêu cầu về độ ẩm giúp gỗ được ổn định và khả năng chống lại biến dạng, nứt nẻ, mối mọt khi sử dụng. Tùy thuộc vào chủng loại gỗ và nhu cầu sử dụng sẽ có một độ ẩm cuối cùng khác nhau.