Trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi tình trạng khủng hoảng nợ công kéo dài tại khu vực EU (một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam) đã khiến cho xuất khẩu đồ gỗ vào nhiều thị trường trong khu vực này bị suy giảm. Dự báo trong năm nay xuất khẩu nhóm hàng này sang EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm do kể từ tháng 3/2013, EU áp dụng “quy định về trách nhiệm giải trình” đối với đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường này. Theo đó, các doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ. Mặc dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm nay do một số doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến giữa năm từ các đối tác Mỹ (thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam).Ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành có khả năng mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia, thế nhưng lợi nhuận thu được trong thời gian qua chỉ đạt ở mức thấp do phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc nhiều vào khách hàng nước ngoài trong các khâu từ thiết kế đến phân phối sản phẩm… Vì vậy, kiến nghị Nhà nước và các ngân hàng thương mại có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất để phát triển, tránh lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh.
1. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ đầu năm 2013.
Trải qua năm 2012 đầy những khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt trên 4,6 tỷ USD, đạt tỷ lệ tăng trưởng 17,9% so với năm 2011 và sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia trên thế giới. Hiện tại Việt Nam vẫn đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Bước sang năm 2013, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khả quan.
Tuy nhiên, trong năm nay thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là từ thị trường EU. Nguyên nhân là do kể từ tháng 3/2013, EU áp dụng “quy định về trách nhiệm giải trình” đối với đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường này. Theo đó, các doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ. Bất kỳ lô hàng gỗ/sản phẩm gỗ nào mà doanh nghiệp nhập khẩu mua phải được sản xuất theo quy định hiện hành của luật pháp tại quốc gia khai thác gỗ và theo quy chế của EU về gỗ. Do đó, trong năm 2013 thị trường truyền thống EU sẽ suy giảm, thậm chí có thể tăng trưởng âm.
Trong khi đó, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam trong năm nay, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng đến giữa năm từ các đối tác Mỹ. Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ trong năm nay sẽ tăng khoảng 18%, sang Trung Quốc tăng 15% và Nhật Bản từ 11-12% do các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đang được các khách hàng nước ngoài đánh giá cao về chất lượng, giá cả hợp lý.
Hiện nay, Việt Nam đang là nước dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phần lớn tập trung sản xuất theo các đơn đặt hàng từ nước ngoài, phần lớn các khâu từ thiết kế sản phẩm đến phân phối đều phụ thuộc khách hàng. Điều này khiến sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp giảm sút. Việc xây dựng hệ thống tiếp thị và phân phối sản phẩm đòi hỏi đầu tư rất nhiều chi phí và nhân lực, nhưng trong tình hình tài chính hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không đủ sức.
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành có khả năng mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước và các ngân hàng thương mại có những chính sách vay vốn dài hạn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cho các lao động… tránh sự lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
2. Tình hình xuất khẩu thực tế tháng 2/2013.
+ Kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 2/2013, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đạt tới 249 triệu USD, giảm 49,1% so với tháng 1/2013 và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính chung trong cả 2 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng tới 23,2%, đạt 736,6 triệu USD.
+ Thị trường xuất khẩu.
Hiện Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là 4 thị trường xuất khẩu chính mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Do thời gian nghỉ Tết kéo dài nên trong tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều bị giảm sút mạnh ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc đã dẫn đầu trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong tháng 2, với kim ngạch đạt trên 62 triệu USD, tăng 10,21% so với tháng trước đó và tăng 39,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 2/2013, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc đạt 120,5 triệu USD, tăng 63,08% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng 16,4% trong tổng kim ngạch.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 61,56 triệu USD, giảm mạnh so với tháng trước đó và cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 66,39% và 46,35%. Nhưng nếu tính chung cả 2 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này vẫn đạt +13,18%, đạt 244,3 triệu USD, giữ vững vai trò là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các thị trường khi đạt 33,2%. Hiện nay, các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang được các khách hàng Mỹ ưa chuộng nhờ có chất lượng cao hơn và ít độc hại hơn so với đồ gỗ của Trung Quốc. Trong thời gian tới, dự kiến Mỹ sẽ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có lượng đơn đặt hàng khá dồi dào.
Tuy kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 2 bị giảm sút khá nhiều nhưng nếu tính tổng cả 2 tháng đầu năm nay thì vẫn có mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái nhờ kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 tăng khá mạnh. Như vậy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng qua được ghi nhận ở phần lớn các thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang khá nhiều thị trường có mức tăng trưởng khá cao như: Singapore (tăng 190,83%); Campuchia (tăng 187,17%); Hồng Kông (tăng 126,99%); Thái Lan (tăng 105,4%); Ấn Độ (tăng 94,72%); Na Uy (tăng 78,48%)...
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường bị giảm sút nhưng không nhiều như: Đài Loan (giảm 15,3%); Nga (giảm 5,43%); Cô Oét (giảm 23,33%); Mêhicô (giảm 52,44%)...
Tham khảo một số thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 2/2013
Thị trường | T2/13 (nghìn USD) | So T1/13 (%) | So T2/12 (%) | 2T/13 (nghìn USD) | So 2T/12 (%) |
Trung Quốc | 62.258 | 10,21 | 39,56 | 120.516 | 63,08 |
Mỹ | 61.561 | -66,39 | -46,35 | 244.311 | 13,18 |
Nhật Bản | 44.180 | -34,96 | -13,29 | 109.545 | 16,32 |
EU | 36.732 | -58,87 | -35,91 | 125.328 | 7,60 |
Hàn Quốc | 12.864 | -51,96 | 20,94 | 39.569 | 27,56 |
Canada | 5.066 | -56,31 | -37,17 | 16.658 | 19,75 |
Ôxtrâylia | 4.729 | -53,70 | -27,26 | 14.933 | 5,94 |
Hồng Kông | 4.378 | -29,50 | 34,43 | 10.673 | 126,99 |
Ấn Độ | 2.491 | -51,07 | 19,74 | 7.752 | 94,72 |
Đài Loan | 1.672 | -72,78 | -75,33 | 7.807 | -15,30 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 1.078 | -37,24 | 31,73 | 2.813 | 40,95 |
Malaysia | 887 | -56,31 | -50,59 | 2.919 | 1,91 |
Na Uy | 738 | -11,95 | 34,16 | 1.928 | 78,48 |
New Zealand | 698 | -65,21 | -32,15 | 2.702 | 40,66 |
ẢRập Xêút | 553 | -55,45 | -29,51 | 1.795 | 40,26 |
Nga | 465 | -44,48 | -11,54 | 1.303 | -5,43 |
Thụy Sỹ | 460 | -57,91 | 65,92 | 1.552 | 27,23 |
UAE | 423 | -76,57 | -62,50 | 2.143 | 20,51 |
Thái Lan | 368 | -63,95 | 53,50 | 1.391 | 105,40 |
Singapore | 349 | -90,88 | -59,78 | 4.182 | 190,83 |
Campuchia | 253 | -63,38 | 52,65 | 948 | 187,17 |
Nam Phi | 250 | -56,14 | 17,71 | 799 | 17,33 |
Cô Oét | 187 | -39,25 | -56,49 | 506 | -23,33 |
Rumani | 100 | * | * | 755 | * |
Mêhicô | 57 | -76,14 | -79,81 | 294 | -52,44 |
Ukraina | 0 | -100,00 | -100,00 | 177 | -42,33 |
3. Thị trường thế giới
Thị trường gỗ dán toàn cầu tăng trưởng phụ thuộc vào lĩnh vực nhà ở
Dự kiến khối lượng tiêu thụ gỗ dán toàn cầu đạt 85 triệu m3 vào năm 2018 do nhu cầu từ những thị trường mới nổi ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Âu.
Gỗ dán là gỗ được làm từ gỗ tự nhiên được lạng mỏng ra thành từng tấm có độ dày 1mm rồi mang các lớp gỗ đó đi ép chúng một cách đan xen lại với nhau cùng với chất kết dính. Gỗ dán không bị nứt nẻ trong điều kiện thông thường không bị mối mọt co ngót. Chính vì vậy đây là sản phẩm gỗ được sử dụng rộng rãi nhất. Sử dụng gỗ dán linh hoạt, ít tốn kém, khả thi, có thể tái sử dụng được và sản xuất đơn giản tại các địa phương. Gỗ dán được sử dụng thay thế cho các loại gỗ thường bởi khả năng chống nứt, co rút, bóc tách, đàn hồi ở mức độ cao.
Phát triển nhà ở là yếu tố chính để tăng nhu cầu gỗ dán trên toàn cầu. Tầm quan trọng của gỗ dán trong ngành công nghiệp xây dựng đã tăng lên trong thập kỷ qua. Nhu cầu gỗ dán toàn cầu phụ thuộc vào thị trường nhà ở, những bất ổn kinh tế trên toàn cầu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gỗ dán lớn nhất trên toàn cầu. Thị trường gỗ dán tại Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh trong thập kỷ qua. Từ một ngành công nghiệp chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, ngành gỗ dán tại Trung Quốc đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu trên toàn thế giới.